Trong cuộc sống hiện đại, do lối sống và cách sinh hoạt, bệnh Gout trở thành nỗi lo của rất nhiều người. Ngoài việc sử dụng các thuốc Tây y, mọi người truyền tai nhau một bài thuốc chữa bệnh Gout bằng lá trầu và nước dừa. Vậy bài thuốc chữa Gout này có gì đặc biệt, liệu thực sự có tác dụng như lời đồn? Y Dược Tâm an sẽ cùng bạn tìm hiểu trong bài viết này.
Mục lục
Đôi nét về bệnh Gout
Bệnh Gout là gì?
Bệnh Gout là bệnh về viêm khớp xảy ra do sự rối loạn chuyển hóa protid, tăng acid uric máu gây lắng đọng các tinh thể muối urat trong dịch khớp và các mô xung quanh.
Các tinh thể urat này lắng đọng ở các khớp sẽ khiến cho khớp bị viêm, người bệnh cảm thấy đau đớn. Lâu dần có thể gây nên các biến dạng khớp, cứng khớp… Các tinh thể này lắng đọng ở thận sẽ gây ra các bệnh về thận như sỏi thận, viêm thận kẽ…
Triệu chứng lâm sàng
Cơn Gout cấp điển hình
- Bệnh nhân thường đau ở các khớp chi dưới: ngón chân, cổ chân, gối…
- Ban đầu viêm ở một khớp, sau đó lan rộng ra các khớp khác. Có thể đau ở ngón tay, cổ tay, khuỷu tay….
- Xuất hiện một cách tự phát, hoặc sau khi ăn một bữa ăn nhiều đạm, hoặc sau khi sử dụng thuốc: aspirin, lợi tiểu thiazid, thuốc chống lao…
- Khởi phát đột ngột về đêm
- Các khớp viêm đau dữ dội, bỏng rát, thường xuyên đau đến cực độ
- Các khớp tổn thương có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau. Khớp lớn thường kèm tràn dịch, khớp nhỏ sưng nề.
Cơn Gout mạn tính
- Bệnh nhân thường tiến triển từ Gout cấp thành Gout mạn sau vài năm hoặc vài chục năm
- Các khớp viêm có thể sưng tấy dữ dội, đau nhiều. Nhưng chúng cũng có thể nhẹ nhàng, âm thầm, kín đáo, dễ bị bỏ qua.
- Xuất hiện các hạt Tophi
- Có thể xuất hiện các bệnh khớp mạn tính: thoái hóa sụn khớp, hủy đầu xương, viêm nhiều khớp…
- Cũng có thể xuất hiện các biểu hiện về thận: sỏi thận, suy thận (ít gặp)…
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Gout
- Người có người nhà bị mắc bệnh Gout.
- Người thừa cân hoặc béo phì.
- Người có chế độ ăn uống không hợp lý, ăn nhiều các thực phẩm có chứa nhiều nhân purin. Ví dụ như ăn nhiều thịt đỏ, hải sản, nội tạng…
- Người thường xuyên uống rượu, cà phê
- Người mắc các bệnh liên quan đến thận, suy giảm chức năng thận.
- Người thường phải sử dụng các thuốc lợi tiểu: thiazid, salicylat liều thấp…
- Người mắc các hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp…
Tác dụng của lá trầu trong điều trị bệnh Gout
Cây trầu không hay còn gọi là cây trầu, thược tương, một số vùng như Buôn Mê Thuột gọi cây trầu không là hrue êhang. Cây trầu không có tên khoa học là Piper Betle L., thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Cây trầu không có dạng thân leo, lá thường xanh, sống quanh năm, lá hình tim mặt bóng. Nó mọc nhiều ở khắp nơi ở Việt Nam cũng như một số nước khác ở Châu Á, vùng nhiệt đới như Malaysia, Indonesia, Philippin…
Theo các tài liệu nghiên cứu, trong lá trầu có 0.8%-1.8%, có khi đến 2.4% tinh dầu thơm mùi creozot (mùi củi đốt), vị nóng. Trong tinh dầu, người ta đã tìm thấy các nhóm hoạt chất Chavicol, Chavibetol, Estragol, Eugenol,… Các hoạt chất này có tác dụng như chất chống viêm khớp, giảm đau thần kinh, hỗ trợ cân bằng các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, kháng khuẩn, chống viêm….
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh Gout, các hoạt chất trong lá trầu làm giảm viêm ở các khớp, giảm đau, hỗ trợ phục hồi các hư tổn ở khớp.
Tác dụng cân bằng các rối loạn chuyển hóa có trong các hoạt chất của lá trầu giúp cho cơ thể cân bằng chuyển hóa acid uric, tăng cường đào thải các tinh thể urat ra ngoài. Từ đó, người bệnh cảm thấy tình trạng sưng, đau nhức giảm xuống đáng kể.
Các phản ứng viêm xảy ra tại các khớp trong bệnh Gout khiến cho pH máu giảm, tạo một điều kiện thuận lợi trong việc tích tụ, lắng đọng các tinh thể Urat. Tác dụng kháng khuẩn, chống viêm có trong lá trầu làm giảm các phản ứng viêm xảy ra, từ đó làm giảm các yếu tố thuận lợi làm tiến triển bệnh Gout.
Nước dừa có tác dụng gì khi chữa bệnh Gout
Cây dừa có danh pháp khoa học là Cocos Nucifera thuộc họ Cau (Arecaceae). Đây là một loại cây thân thẳng, lá chia thành tàu, có thể cao tới 30m. Nhờ quả dừa nhẹ, mà theo dòng nước biển, cây dừa phân bố ở khắp nơi trên thế giới.
Nước dừa là một thức uống hết sức quen thuộc với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài cách sử dụng như làm nước uống giải khát, dùng trong nấu ăn, nước dừa còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.
Nước dừa có chứa nhiều Kali. Vì vậy, nó được coi như một chất điện giải tự nhiên giúp cân bằng các chuyển hóa và trao đổi các chất trong cơ thể, cải thiện các bất thường về thận và tiết niệu. Ngoài ra, nước dừa còn có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, khử độc, giảm sự hình thành acid lactic…
Kali có trong nước dừa có tác dụng kiềm hóa lượng acid uric dư thừa trong máu, từ đó làm giảm chỉ số acid uric trong máu. Ngoài ra, nước dừa rất tốt cho thận và tiết niệu, làm tăng đào thải acid uric, đặc biệt tốt đối với những bệnh nhân mắc bệnh Gout có chỉ số acid uric cao hơn bình thường.
Acid lactic, được tạo ra sau khi uống rượu, là một chất cạnh tranh đào thải với acid uric. Các phân tử acid uric khó hòa tan hơn vào máu để đào thải qua đường nước tiểu, từ đó chúng bị ứ đọng lại, làm tăng sự lắng đọng các tinh thể urat trong các dịch khớp. Nước dừa xuất hiện như một vị cứu tinh vừa có tác dụng giải rượu, vừa khử độc, giảm sự hình thành acid lactic. Nhất là đối với những bệnh nhân Gout, nước dừa giúp họ giảm đáng kể các triệu chứng xảy ra sau bữa nhậu.
Đặc biệt, khi kết hợp lá trầu và nước dừa, nước dừa đóng vai trò như là một chất hòa tan phối hợp trị liệu. Các hoạt chất có trong lá trầu được hòa tan, chiết xuất ra nhanh chóng hơn, tác dụng điều trị nhanh chóng hơn.
Cách chữa bệnh gút bằng lá trầu và nước dừa
Nguyên liệu:
- 100g lá trầu tươi, không quá non, không quá già.
- 1 trái dừa tươi chưa vạt nắp gáo.
Cách tiến hành:
Bài thuốc chữa bệnh Gout bằng lá trầu và nước dừa được thực hiện như sau:
- Bước 1: Lá trầu tươi đem rửa sạch (có thể tráng qua thêm với nước muối), sau đó đem thái thành sợi hoặc xay nhuyễn. Việc này giúp cho các hoạt chất trong lá trầu dễ hòa tan hơn vào trong nước dừa.
- Bước 2: Vạt nắp gáo trái dừa tươi đã chuẩn bị.
- Bước 3: Ngâm lá trầu đã cắt hoặc xay ở trên vào trong nước dừa, rồi đậy nắp gáo lại.
- Bước 4: Sau 30 phút ngâm, chắt nước ra ly, bỏ bã trầu rồi uống.
Lưu ý khi sử dụng
Khi sử dụng hỗn hợp lá trầu và nước dừa để chữa bệnh Gout, bệnh nhân cần chú ý:
- Áp dụng bài thuốc này trước khi ăn sáng. Chờ đến khi nước ngấm hoàn toàn vào trong cơ thể, bệnh nhân đi tiểu trở lại rồi mới được ăn sáng.
- Nên sử dụng ít nhất 1 tiếng trước bữa sáng.
- Thông thường, sau khoảng 7 ngày, bệnh nhân sẽ cảm thấy có các chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không nên ngừng sử dụng đột ngột vì sẽ làm hiệu quả của bài thuốc biến mất.
- Uống 1 lần/ngày, liên tục trong vòng 1 tháng để giảm đáng kể các triệu chứng bệnh Gout. Dùng liên tục trong nửa năm còn giúp bệnh nhân Gout giảm đáng kể lượng acid uric trong máu.
- Cần thực hiện đúng cách, đúng liều lượng. Không nên dùng quá liều vì các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
- Trong quá trình điều trị, cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như: bia, rượu, cà phê, thuốc lá… Giảm ăn các thức ăn chứa nhiều đạm…
Xem thêm: [GỢI Ý] Thực đơn cho người bệnh Gout trong 1 tuần
Chữa bệnh Gout bằng lá trầu và nước dừa có hiệu quả không?
Giống như các bài thuốc dân gian khác, việc chữa Gout bằng lá trầu và nước dừa chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị. Sự hiệu quả của bài thuốc này chủ yếu phụ thuộc vào cơ địa cũng như sự kiên trì sử dụng của người bệnh.
Khi sử dụng bài thuốc này, để nhanh có hiệu quả, bệnh nhân cần sử dụng kết hợp với các thuốc Tây y khác theo chỉ định của bác sĩ. Đây cũng là một yếu tố gây nên sự khác nhau về thời gian đem lại hiệu quả của bài thuốc. Có người chỉ cần sử dụng liên tục 3-4 tuần đã thấy hiệu quả. Nhưng cũng có những người dùng suốt 1-2 tháng mà vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Bài thuốc chữa bệnh Gout bằng nước dừa và lá trầu hỗ trợ giảm các triệu chứng sưng, đau nhức. Bài thuốc không có tác dụng điều trị khỏi bệnh, không được sử dụng thay thế thuốc do bác sĩ kê đơn.
Ý kiến của bạn