Bệnh Gout đã gây ra ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của rất nhiều người. Thay đổi thói quen ăn uống hợp lý, kết hợp sử dụng thuốc đúng cách thì người bệnh có thể cải thiện dần tình trạng của mình. Cùng Y Dược Tâm An tìm hiểu về Colchicin – loại thuốc được dùng phố biến hàng đầu trong điều trị bệnh Gout.
Mục lục
- Colchicin là thuốc gì?
- Dạng bào chế và hàm lượng
- Dược lực học, cơ chế tác dụng của Colchicin
- Dược động học
- Chỉ định
- Chống chỉ định
- Cách dùng và liều lượng
- Thận trọng khi sử dụng
- Tương tác thuốc
- Tác dụng phụ của Colchicin
- Lưu ý với phụ nữ có thai và cho con bú
- Quá liều và xử trí
- Colchicin có giá bao nhiêu?
- Một số thuốc chứa Colchicin phổ biến hiện nay
Colchicin là thuốc gì?
Thuốc Colchicin là thuốc có nguồn gốc thực vật, có đặc tính kháng viêm mạnh nhờ khả năng ức chế sự di chuyển của bạch cầu. Ngoài ra, Colchicin còn làm giảm sự bám dính và thực bào của bạch cầu đa nhân tại các khớp. Nhờ vậy mà thuốc cho tác dụng nhanh và hiệu quả trong điều trị viêm khớp do Gout – bệnh lý với nguyên nhân chính do lắng đọng tinh thể muối Urat gây viêm ở khớp và các tổ chức cạnh khớp.
Dạng bào chế và hàm lượng
Chế phẩm Colchicin thường được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 0,5 mg; 0,5 mg; 0,6 mg; 1 mg. Ngoài ra còn có các dạng chế phẩm phối hợp.
Dược lực học, cơ chế tác dụng của Colchicin
➤ Tác dụng chống bệnh Gout
Colchicin giúp khu trú bạch cầu, ngăn chặn sự thực bào các vi tinh thể muối urat, từ đó làm ức chế quá trình tạo acid lactic, giữ được pH trong khoảng bình thường. Kết quả là hạn chế được tối đa lượng tinh thể monosodium urat lắng đọng lại ở các mô khớp.
Thuốc không có tác dụng thải trừ acid uric theo nước tiểu, không làm giảm nồng độ acid uric trong máu và không tác động đến khả năng gắn giữa acid uric hay tinh thể urat với protein huyết thanh.
➤ Tác dụng chống viêm không đặc hiệu
Colchicin làm giảm sự di chuyển, hóa ứng động và chức năng của bạch cầu đa nhân trung tính. Do đó, nó có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, tác dụng chống viêm của thuốc tương đối thấp.
➤ Tác dụng chống phân bào
Colchicin có tác dụng chống phân bào do ức chế giai đoạn giữa và sau của quá trình phân chia tế bào. Cụ thể, thuốc tác động trực tiếp lên thoi và sự chuyển thể sol – gel ở những tế bào đang phân chia. Những tế bào đang không phân chia cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tác dụng chống phân bào của thuốc gây ảnh hưởng xấu lên các mô đang tăng sinh như: tủy xương, da, lông, tóc, móng.
➤ Một số tác dụng khác
- Làm tăng độ bền thành mao mạch.
- Kích thích tuyến vỏ thượng thận.
- Hủy tế bào lympho.
- Làm ngưng kết tiểu cầu.
- Giảm ngứa.
- Kích thích thần kinh giao cảm.
- Ức chế phó giao cảm.
Dược động học
Colchicin được hấp thu bởi các tế bào ống tiêu hóa và đi vào vòng tuần hoàn chung của cơ thể. Sau khi uống 2h, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương.
Thuốc ngấm vào đa số các mô và niêm mạc, nhất là niêm mạc ruột, thận, gan, lách nhưng không ngấm vào cơ tim, cơ vân và phổi. Thuốc được đào thải chủ yếu qua phân và một lượng ít qua nước tiểu.
Nếu sử dụng liều cao hơn 1mg/ngày thì sẽ dễ gây ngộ độc do thuốc bị tích tụ quá nhiều ở các mô.
Chỉ định
➤ Cơn Gout cấp trong bệnh Gout: Colchicin là thuốc dùng để chẩn đoán bệnh viêm khớp do Gout (nếu bệnh nhân có đáp ứng điều trị với Colchicin thì chứng tỏ có tinh thể muối urat ở dịch khớp và các tổ chức cạnh khớp). Ngoài ra, Colchicin còn dùng để giảm đau trong cơn Gout cấp.
➤ Dự phòng tái phát viêm khớp do Gout và điều trị lâu dài cho các bệnh nhân bị Gout: Sử dụng Colchicin hằng ngày giúp cải thiện tiên lượng ở những bệnh nhân Gout và tăng khả năng dự phòng các cơn viêm khớp do Gout tái phát.
Trong điều trị thường xuyên và lâu dài tình trạng tăng acid uric máu ở những bệnh nhân nghiện rượu, suy thận mạn, ưu năng tuyến cận giáp, cần phải ưu tiên lựa chọn Colchicin để điều trị riêng lẻ cũng như phối hợp với các thuốc chống viêm nhóm NSAIDs trong thời gian 1 – 6 tháng. Sau đó, tiếp tục sử dụng các thuốc giảm acid uric trong máu như: tisopurin, allopurinol.
➤ Cơn Gout cấp khác do vi tinh thể: Viêm khớp kèm theo các nốt u hồng ban, bệnh u thịt dẫn đến viêm khớp, viêm sụn khớp vôi hóa.
➤ Một số bệnh khác như: Bệnh sốt chu kỳ, xơ gan, hội chứng Behcet.
Chống chỉ định
Thuốc chống chỉ định với các trường hợp suy gan, suy thận mạn, phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời gian cho con bú.
Không được tiêm Colchicin vào đường da hoặc tiêm bắp vì có thể gây đau nhiều chỗ tiêm.
Cách dùng và liều lượng
Cách dùng Colchicin: Nên uống trước hay sau ăn?
Thuốc dùng đường uống, tốt nhất là nên uống trong bữa ăn.
Liều dùng
☛ Điều trị cơn Gout cấp:
- Ngày đầu tiên: uống 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối), 1 viên/lần.
- Ngày thứ 2, 3: ống 2 lần/ngày (sáng, tối), 1 viên/lần.
- Ngày thứ 4: chỉ uống 1 viên vào bữa tối.
Trước khi vào đợt điều trị tiếp theo, bệnh nhân cần dừng sử thuốc từ 2 đến 3 ngày.
☛ Điều trị dự phòng cơn Gout cấp tái phát: uống 1 viên/ngày, vào bữa tối.
☛ Điều trị cơn Gout cấp do vi tinh thể, sốt chu kì, hội chứng Behcet: uống 1 viên/ngày, vào bữa tối.
☛ Điều trị xơ gan: Tùy vào tình trạng bệnh mà có thể uống 1-2 lần/ ngày, mỗi lần 1 viên, uống 5 ngày/tuần.
Thận trọng khi sử dụng
- Thận trọng với những bệnh nhân suy gan, suy thận khi điều trị cơn Gout cấp.
- Nếu dùng Colchicin để điều trị lâu dài thì phải kiểm tra công thức máu thường xuyên.
- Thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim, thận, gan hoặc có các bệnh về đường tiêu hóa.
- Khả năng đào thải thuốc ở những bệnh nhân cao tuổi thường kém nên dễ bị ngộ độc.
Tương tác thuốc
Không được dùng kết hợp Colchicin với các kháng sinh: Pristinamycin, nhóm Macrolid.
Không được dùng kết hợp Colchicin với Cyclosporin vì làm tăng độc tính của Cyclosporin.
Cẩn thận khi kết hợp Colchicin với:
- Thuốc chống đông máu đường uống: Có nguy cơ cao gây chảy máu do Colchicin làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu đường uống.
- Statin: Tăng các ảnh hưởng tiêu cực của Statin lên cơ vân, trường hợp xấu nhất có thể gây tiêu cơ vân. Cần theo dõi sát sao bệnh nhân và cân nhắc kĩ trước khi kết hợp Statin với Colchicin.
Tác dụng phụ của Colchicin
Sử dụng Colchicin thường gặp các tác dụng phụ đi kèm như: nôn, buồn nôn, đau bụng. Nếu sử dụng liều cao trong thời gian dài, có thể bị phát ban, tiêu chảy và dễ gây ra các tổn thương ở thận.
Có một số bệnh nhân dùng thuốc trong thời gian dài gặp phải một số triệu chứng như: viêm thần kinh ngoại vi, rối loạn các thành phần máu, rụng tóc, nam giới có thể bị giảm số lượng tinh trùng. Tuy nhiên, các trường hợp này thường hiếm gặp.
Lưu ý với phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai: tuyệt đối không được sử dụng Colchicin.
Phụ nữ cho con bú: chưa phát hiện trường hợp trẻ ngộ độc do bú sữa mẹ có dùng Colchicin. Tuy nhiên, do thuốc đào thải qua sữa nên mẹ nên lưu ý khi sử dụng. Nên uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ và chỉ cho trẻ bú sau khi uống thuốc ít nhất 8h.
Quá liều và xử trí
Liều gây độc: khoảng 10mg.
Liều gây chết: trên 40mg.
Ngộ độc Colchicin rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao (>30%). Các trường hợp ngộ độc thường gặp chủ yếu do dùng thuốc tự tử.
Nếu sử dụng thuốc quá liều, cần khẩn trương đến các trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ qua khỏi thường rất thấp.
Colchicin có giá bao nhiêu?
Giá bán dao động từ 900-1500đ/viên tùy từng cơ sở.
Một số thuốc chứa Colchicin phổ biến hiện nay
Thuốc Colchicin 1mg Traphaco
Cochicin 1mg được sản xuất bởi công ty dược phẩm Traphaco, được bào chế dưới dạng viên nén, với thành phần chính là Colchicin và một số tác dược khác vừa đủ 1 mg.
➤ Quy cách đóng gói: 1 vỉ x 20 viên/hộp.
➤ Liều dùng:
- Đối với điều trị Gout ở người lớn: bắt đầu với 1 viên 1 mg, sau đó dùng 0,5 mg trong mỗi 2 đến 3 giờ. Ngừng uống khi hết cơn đau hoặc xuất hiện tiêu chảy hay nôn. Tổng liều dùng không được vượt quá 6 mg. Đợt điều trị sau nên cách đợt trước ít nhất 3 ngày.
- Dùng phối hợp với các thuốc tăng đào thải acid uric: 0,5 mg trong 1 lần uống, 2-3 lần/ngày.
- Bệnh nhân suy thận: giảm liều hoặc tăng thời gian giữa các liều.
- Thuốc không khuyến cáo đối với trẻ em
- Thận trọng khi sử dụng với người cao tuổi.
Colcrys
Colcrys với hoạt chất chính là Colchicin, bào chế dưới dạng viên nén 0,6 mg được chỉ định dùng trong cơn Gout cấp và điều trị sốt Địa Trung Hải gia đình (FMF) cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi.
➤ Liều dùng:
- Gout: Uống 2 viên (1,2 mg) Colcrys khi có dấu hiệu cơn Gout cấp, sau 1 giờ uống thêm 1 viên (0,6 mg).
- FMF: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi dùng 1,2 – 2,4 mg/ngày ; trẻ từ 6-12 tuổi dùng 0,9 – 1,8 mg/ngày; trẻ từ 4-6 tuổi: 0,3 – 1,8 mg/ngày. (Có thể chia liều để uống 2 lần/ngày, nhưng không được quá liều; liều tối thiểu để cơ thể dung nạp thuốc là 0,3 mg/ngày.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận cần phải tuân theo hướng dẫn kê đơn của bác sĩ.
Colcrys còn có khả năng cải thiện tiên lượng trên những bệnh nhân ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung. Thuốc cũng được sử dụng để giảm đau, chống viêm.
Thuốc Colchicin Stada 1 mg
Colchicin Stada 1mg là thuốc kê đơn, dạng viên nén, được đóng gói theo hộp 1 vỉ x 10 viên hoặc hộp 2 vỉ x 10 viên. Thuốc do Công ty TNHH LD Stada – Việt Nam sản xuất.
Thuốc có thành phần chính là Colchicin, được chỉ định sử dụng với các trường hợp Gout cấp. Ngoài ra, nó còn dùng dự phòng ngắn hạn với liệu trình điều trị Gout dùng allopurinol và các thuốc tăng đào thải acid uric.
Công dụng và liều dùng tương tự Colchicin 1mg Traphaco.
Những thông tin trong bài viết này chỉ có giá trị tham khảo. Nếu mọi người bất cứ thắc mắc gì xin để lại thông tin ở phần bình luận để các chuyên gia của chúng tôi có thể hỗ trợ tư vấn, giải đáp.
(((https://www.healthline.com/health/Colchicine-oral-tablet))) (((https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431102/)))
Ý kiến của bạn